Du lịch An Giang: Những điều “cần phải” biết trước khi đến đây (Phần 1)

  • 27/03/2020
  • 1637

Bạn biết không, miền Tây Việt Nam sở hữu khung cảnh bình yên, con người hiền hòa với những thắng cảnh, những sản vật thiên nhiên trù phú. Cùng HI TRAVEL lội ngược về miền Tây đất nước để khám phá vẻ đẹp nơi đây nhé!

An Giang du lịch mùa nào đẹp?

An Giang có vị trí địa lý nằm gần xích đạo nên khí hậu nơi đây có những nét tương đương với khí hậu xích đạo. Mùa mưa ở An Giang kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 nên nếu đi vào thời điểm này bạn đừng quên mang theo áo mưa.

Nhiệt độ ở đây khá ổn định, dao động trong khoảng 26-28ºC. Tuy mùa nào An Giang cũng sở hữu vẻ đẹp riêng, tuy nhiên, nếu đến đây vào tháng 4 hoặc tháng 8 âm lịch, bạn sẽ được hòa mình vào hai lễ hội lớn nhất nơi đây chính là lễ hội bà chúa Xứ núi Sam (23/4 – 27/4) và lễ hội đua bò (cuối tháng 8).

Phương tiện đi lại

Đường sá giao thông đến An Giang khá thuận lợi nên bạn có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau. Với những khách du lịch ở miền Bắc, bạn có thể đặt vé máy bay đến TP.HCM và từ đây di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy đến An Giang. Bạn có thể di chuyển bằng ô tô bằng cách mua vé ở các bến xe TP.HCM đến thị xã Châu Đốc hoặc thành phố Long Xuyên với giá vé 150.000-300.000 đồng.

Với những bạn có ý định đi phượt bằng xe máy, bạn có thể di chuyển theo 2 cung đường sau:

  • Từ TP.HCM đi theo Quốc lộ 1A hướng về Tiền Giang, qua cầu Mỹ Thuận theo Quốc Lộ 80 để đi Sa Đéc, tiếp tục qua phà Vàm Cống đến thành phố Long Xuyên.
  • Cung đường khám phá vùng ven biên giới: theo Quốc Lộ 62 hướng cửa khẩu Bình Hiệp, tiếp tục đi theo đường sát biên giới hướng Hồng Ngự – Tân Châu là sẽ đến Châu Đốc.

Những địa điểm du lịch An Giang đẹp

Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 20 km về hướng Nam, có diện tích khoảng 850 ha. Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng tây sông Hậu với phần lớn cây ở đây là cây tràm trên 10 tuổi cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm khác nhau.

Chắc hẳn rừng tràm Trà Sư sẽ cuốn hút bạn trong màu xanh ngút ngàn của những cây tràm cùng mặt hồ phủ kín bèo. Rẽ chiếc thuyền chèo xuyên qua những khu rừng, bạn sẽ thấy mình được hòa cùng thiên nhiên với những trải nghiệm mới, được mở rộng tầm mắt với những vẻ đẹp mới mẻ, độc đáo của thiên nhiên.

Chợ nổi Long Xuyên

Nhắc đến du lịch miền Tây ai cũng sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những khu chợ nổi. Chợ nổi Long Xuyên họp từ khoảng 5 giờ sáng cho tới khoảng 8-9 giờ hàng ngày. Mỗi buổi sáng ở đây có hàng trăm ghe xuồng tụ tập san sát trên sông Hậu bắt đầu các hoạt động mua bán hàng hóa trên sông đầy thú vị.

Búng Bình Thiên

Đến với Búng Bình Thiên là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của Tây Nam Bộ, nằm gần biên giới Campuchia, thông với sông Bình Di (An Phú, An Giang). Búng có chiều dài khoảng 500 m, rộng 3.000 m, do đó, thời gian để thuyền chở khách tham quan đi một vòng Búng khoảng là khoảng 40 phút với giá là 150.000 – 300.000 đồng cho một lượt tham quan.

Vào mùa nước nổi, trên hành trình lênh đênh trên sông nước, bạn cũng sẽ có cơ hội tham gia hai hoạt động ở nơi đây chính là giăng lưới bắt cá linh và hái hoa điên điển.

Vùng Thất Sơn (vùng Bảy Núi)

Thất Sơn là tên gọi chung của vùng núi phía Tây Nam, gần biên giới Campuchia, thuộc địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Vùng đồng bằng này có đến gần 40 ngọn núi nhưng chỉ có bảy ngọn nổi bật tạo nên tên gọi Thất Sơn:

  • Ngọa Long Sơn (núi Dài).
  • Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng).
  • Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô).
  • Thủy Đài Sơn (núi Nước).
  • Anh Vũ Sơn (núi Két).
  • Liên Hoa Sơn (núi Tượng)
  • Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, cao nhất trong Thất Sơn).

Núi Vĩnh Tế

Núi Vĩnh Tế (núi Sam) do vua Minh Mạng đặt để ghi công của ông Thoại Ngọc Hầu đã có công đào kênh Vĩnh Tế. Ngọn núi này cách trung tâm TP. Châu Đốc khoảng 5km về phía Tây theo quốc lộ 91.

Trên núi Vĩnh Tế có rất nhiều phượng vĩ và mùa hè thì cả ngọn núi như được nhuộm đỏ. Nằm trên triền núi Vĩnh Tế về hướng bắc có chùa Phước Điền (chùa Hang) là một ngôi chùa cổ.

Ngoài ra, ngọn núi còn là nơi đặt ngôi miếu Bà Chúa Xứ được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia và lăng Ông Thoại Ngọc Hầu cùng với chùa Tây An.

Làng dệt thổ cẩm Châu Giang

Những tấm thổ cẩm hay những bộ trang phục bằng thổ cẩm được làm ở Châu Giang là biểu trưng của văn hóa Chăm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó được làm rất tỉ mỉ bởi đôi bàn tay khéo léo của những cô gái Chăm duyên dáng nơi đây.

Cánh đồng Tà Pạ

Ở An Giang cũng như ở miền Tây có một thông lệ khá đặc biệt về việc trồng lúa, cũng được xem là một nét văn hóa đặc sắc của nên nông nghiệp lúa nước có từ lâu đời chính là tập quán “làm ruộng vần công”.

Tập quán này có nghĩa là mỗi khi cày cấy, mọi người thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác tạo nên một vẻ đẹp lạ lùng cho các cánh đồng ở Tà Pạ.

Cánh đồng Tà Pạ ở huyện Tri Tôn vào mùa nước nổi như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt điểm xuyết. Nhìn từ trên cao, Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn, vào mùa lúa chín thì sắc vàng phủ kín dập dềnh như những lớp sóng được lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút.

facebook twitter linkedin