Nếm thử những món ngon 'chất lừ' của đồng bào dân tộc Tây Bắc
- 27/04/2020
- 1654
Không chỉ sở hữu những thắng cảnh làm say lòng người, núi rừng Tây Bắc còn níu chân du khách bởi những món ăn ngon, mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Để không hoài phí chuyến du ngoạn của mình, bạn đừng quên thưởng thức những món ngon Tây Bắc “chất lừ” sau đây!
Pa pỉnh tộp – Cá nướng gập
Là đại diện tiêu biểu cho tinh hoa ẩm thực của dân tộc Thái, pa pỉnh tộp là món ngon Tây Bắc không thể bỏ qua. Pa trong tiếng Thái có nghĩa là “cá suối”; Pa Pỉnh Tộp có nghĩa là cá gập nướng. Món ăn này được làm từ những con cá suối, cá chép, cá trôi, cá trắm… ướp cùng mắc khén – một loại gia vị đặc biệt, được coi là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc.
Cá gập nướng được chế biến khá cầu kỳ, thường chỉ dùng khi nhà có cỗ bàn hay thết đãi khách quý. Người ta chọn những con cá còn tươi, làm sạch, khử mùi tanh bằng muối và ớt bột rồi tẩm ướp với nhiều loại gia vị như rau thơm rừng, mắc khén (hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả...
Cá sau khi ngấm gia vị sẽ được gấp đôi theo chiều ngang, kẹp bằng que tre tươi và nướng đều trên bếp than hoa. Khi cá chín, các loại gia vị sẽ thấm sâu, giúp thịt cá trở nên ngọt, săn chắc và có mùi thơm hấp dẫn.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp có ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến thịt trâu gác bếp của đồng bào dân tộc sinh sống ở tỉnh Điện Biên. Món ngon Tây Bắc này được làm từ những thớ thịt trâu ngon ướp cùng nhiều loại gia vị đặc trưng của núi rừng như ớt khô, hạt dổi, mắc khén, gừng, sả, tỏi...
Thịt trâu sau khi thấm đẫm gia vị sẽ được xiên que sấy trên than củi, cho đến khi thịt chín đều, săn chắc lại. Thịt sấy xa lửa nên thớ thịt dẻo quánh, vị ngọt được giữ nguyên vẹn, lại có thêm mùi khói thơm rất đặc biệt.
Trước khi trở thành đặc sản Tây Bắc được nhiều người biết tới, thịt gác bếp vốn là món “lương khô” của người dân tộc, là cách để bảo quản và cất trữ thực phẩm truyền thống của họ trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn.
Thắng cố ngựa
Thắng cố là món ăn truyền thống của người Mông ở vùng núi Hà Giang. Trước đây, khi chế biến một con ngựa, người dân tộc nơi đây thường không bỏ đi thứ gì. Thắng cố chính là món ăn được nấu từ lục phủ ngũ tạng trộn lẫn với xương và tiết của ngựa.
Món ăn này thoạt nghe có vẻ khá “kinh dị”, nhưng lại là một trong những món ngon Tây Bắc nổi tiếng nhất bởi hương vị độc đáo, dễ khiến người ta “nghiện”. Nồi thắng cố của người Mông còn được cho thêm ngô, rau và các loại gia vị thơm như gừng, thảo quả, vỏ quýt, hoa hồi, lá chanh, quế chi...
Ở các phiên chợ vùng cao, thắng cố được nấu trong những chảo lớn rồi múc ra bát để phục vụ thực khách. Được ninh nhừ trong nhiều giờ nên thắng cố có vị bùi ngọt, sóng sáng thịt mỡ. Món này có thể ăn cùng mèn mén, bánh ngô nướng và phải uống với rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng – thứ rượu chứa đựng tinh hoa của núi rừng Tây Bắc.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc, hay còn gọi là cơm đen cơm đỏ, là món ăn truyền thống của người dân tộc Tày, thường dùng trong các dịp lễ tết, hội họp trọng đại. Đúng như tên gọi của mình, xôi ngũ sắc có 5 màu, tượng trưng cho triết lý âm dương, ngũ hành của người Á Đông.
Ngoài ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, xôi ngũ sắc còn là món ăn thơm ngon, đẹp mắt, sử dụng các nguyên liệu nhuộm màu có nguồn tự nhiên tại địa phương nên không hề độc hại. Màu trắng là màu tự nhiên của gạo, màu tím từ lá cây cơm đen, màu đỏ từ gấc hoặc lá cây cơm đỏ, màu vàng từ nghệ, màu xanh từ lá gừng hoặc lá nếp, màu đen từ tro rơm nếp.
Những hạt gạo nếp nương tròn mẩy, căng bóng được ngâm trong các loại màu thực vật rồi đem đồ trên chõ gỗ đến khi gạo chín thành xôi. Xôi ngũ sắc rất dẻo ngọt, thơm hương nếp mới, lại rất bắt mắt, là món ngon Tây Bắc khiến người ta lưu luyến mãi.
Cốm Tú Lệ
Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vốn nổi tiếng với giống lúa nếp tan. Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm, lúa bắt đầu uốn câu, ngả vàng trên những thửa ruộng bậc thang. Khắp các bản làng bắt đầu rộn rã tiếng chày giã gạo, cho ra lò những mẻ cốm Tú Lệ - món ngon Tây Bắc nức tiếng gần xa.
Lúa nếp tan được gặt sớm, khi hạt thóc vẫn còn ngậm sữa, vỏ hơi lam vàng, hạt gạo chưa chín hết. Người Thái ở Yên Bái vẫn làm cốm theo cách thủ công truyền thống: rang cốm trong những chảo lớn rồi giã bằng cối đá.
Cốm Tú Lệ có màu xanh ngắt đặc trưng của giống lúa, hạt mỏng, mềm dẻo, thơm hương nếp, hậu vị rất thanh ngọt. Trước đây, người Thái ở Tú Lệ thường làm cốm để cúng tổ tiên và ăn chơi. Ngày nay, món ăn này đã trở thành một loại đặc sản đắt giá, niềm tự hào của du lịch Yên Bái.